Nước biển nhiễm độc, cá chết gần hết, không có cá, ngư dân ở xã Kỹ Lợi phải ở nhà, không thể ra khơi.
Hơn 20 ngày từ khi xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt, hàng ngàn hộ dân ở xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn chưa biết xoay sở ra sao để lo cho cuộc sống. Trong khi đó, chính quyền vẫn đang trong tình trạng “chờ chỉ đạo để triển khai”.
Sáng ngày 27.4, theo ghi nhận của phóng viên, dọc các bãi biển thuộc thôn Đông Yên, Hải Thanh (xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh) hầu như không còn bóng dáng ngư dân. Những con thuyền, manh lưới “đắp chiếu”, nằm phơi mình trên bãi biển.
Từ ngày nước biển bị nhiễm độc, cá chết hàng loạt, ngư dân không còn ra khơi bởi, cả ngày giăng lưới không được nổi 10kg cá hoặc có đánh được cũng không ai mua. Họ chỉ còn biết ngồi ở nhà đan lưới, trông con hoặc dọn dẹp nhà cửa.
Đang ngồi đan lưới trước cửa nhà, anh Mai Xuân Lý (30 tuổi, thôn Đông Yên) cho biết, hiện tượng cá chết đã xảy ra hơn 20 ngày nay. Cá chết nổi đầy cả trên mặt nước. Mùi nước lẫn mùi cá chết hôi thối theo gió biển thổi vào khu dân cư nồng nặc.
Đi biển không đánh bắt được cá, anh Lý phải ở nhà trông con, đan lại lưới, sửa lại thuyền mong ngày trở lại biển. Dù mới 30 tuổi nhưng anh Lý đã có 16 năm kinh nghiệm đi biển, với anh, ngoài đi biển đánh bắt thủy hải sản, anh không còn nghề nào khác để kiếm kế sinh nhai.
(Người dân ngồi đan lưới đợi biển sống)
“Từ ngày không đi biển, tôi phải vay lãi 5 triệu đồng với lãi suất 10.000 đồng/ngày để lo sữa cho con nhỏ và mua thức ăn cho cả nhà. Giờ tiền cũng sắp hết mà chưa biết phải vay đâu, sống thế nào”, anh Lý bộc bạch.
Theo anh Lý, ngày trước, mỗi ngày đi biển, anh thu được 500.000 đến 1 triệu đồng, ngày nhiều được cả gần chục triệu đồng. Tuy nhiên, từ ngày cá chết, đi biển cả ngày cũng không được nổi 100.000 đồng mà chi phí xăng dầu, ăn uống đã mất khoảng 400.000 đồng/người.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (32 tuổi, thôn Đông Yên) cho hay, đã gần 1 tháng nay, từ một ngày ăn 3 bữa, nay gia đình chị chỉ ăn một bữa vì sắp hết tiền đong gạo.
Chị Nguyệt chia sẻ: “Từ ngày khu công nghiệp xây lên, đất nông nghiệp không còn nên người dân chỉ sống bám biển. Biển chết, chúng tôi cũng chết theo. Không đánh được cá không có tiền đong gạo”.
(Chị Nguyệt cho biết, nhà chị từ ngày ăn 3 bữa nay chỉ còn 1 bữa)
Tại bãi biển thuộc thôn Tân Phúc Thành (xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nơi giáp ranh với nhà máy của khu công nghiệp Formosa, hàng trăm chiếc thuyền cũng đang nằm phơi nắng trên bãi cát. Vài con cá chết bị sóng biển đánh vào bờ được người dân chôn xuống để tránh mùi hôi thối.
Anh Nguyễn Văn Lợi (35 tuổi), một ngư dân cho hay, từ khi có thông tin cho rằng cá biển chết là do nhiễm độc, cá đánh lên không bán được anh không đi biển nữa. Bữa ăn hằng ngày chỉ là rau với thịt, nay thèm ăn cá nên anh đi thả lưới. Tuy nhiên, lưới thả từ 3 giờ sáng đến 10 giờ không được nổi 10kg.
Khi phóng viên hỏi ăn cá như thế có sợ bị nhiễm độc không, anh Lợi cười, nói: “Không ăn thì chết đói còn ăn vào thì chết từ từ”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Vượng – Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho hay, xã có khoảng hơn 2.500 hộ dân, trong đó có hơn nửa là đi biển, số còn lại vừa làm biển vừa làm nông. Trong số này, đa phần người dân đều là hộ nghèo và hộ đặc biệt nghèo.
“Từ khi cá biển chết hàng loạt, đời sống của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do xã còn nghèo nên không có kinh phí hỗ trợ người dân. Chúng tôi đã đi kiểm tra và làm báo cáo gửi lên huyện, tỉnh để xuất phương án hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy trên triển khai phương án gì”, ông Vượng nói.
Bình luận trên Facebook