Các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển thành công hệ thống camera tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) giúp nhận diện giới tính cá tầm trắng – loài có đặc điểm giải phẫu cực kỳ tinh vi, khó phân biệt ngay cả với chuyên gia.

Dự án do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Dữ liệu Halicioglu (UC San Diego), Khoa Khoa học Động vật và Trung tâm Hợp tác Nuôi trồng Thủy sản (UC Davis), cùng Phòng thí nghiệm Friday Harbor (Đại học Washington) phối hợp thực hiện.
Nhờ khả năng phân tích hình ảnh bằng AI, hệ thống có thể phát hiện những khác biệt nhỏ giữa cá tầm đực và cái, qua đó hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất trứng cá muối (caviar) và protein từ cá tầm. Từ mức chính xác 76% ban đầu, mô hình AI hiện đã đạt tới 90%, theo ông Jackson Gross (UC Davis).
Phần mềm được thiết kế chạy trên nền tảng di động, cho phép ghi hình độ phân giải cao, dễ cập nhật từ xa, thân thiện với người dùng và phù hợp triển khai trực tiếp tại trang trại.
Giáo sư Adam Summers (ĐH Washington) cho biết công nghệ này có thể trở thành tiêu chuẩn mới trong quản lý đàn cá theo hướng không xâm lấn, mở ra cơ hội ứng dụng rộng rãi trong bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm, bao gồm cả cá tầm.
Dự án nhận tài trợ từ Viện Lương thực và Nông nghiệp Quốc gia (NIFA) và Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF).
Bình luận trên Facebook